Lịch sử Trên đỉnh mùa đông

Những năm cuối thập niên 1960, cùng với Hùng Cường, Chế Linh, Duy Khánh... nhạc sĩ Trần Thiện Thanh thường mặc quân phục lên sân khấu hát nhạc lính. Ông thường xuyên hợp tác với Đài Truyền hình Việt Nam cùng các đài phát thanh để thâu những cuốn băng ca nhạc cổ vũ tinh thần quân dân trong chiến đấu và xây dựng. Trong các phim kịch với đề tài người lính, Trần Thiện Thanh hay ca diễn với Thanh Lan và các em gái (gọi là nhóm Tiếng Hát Đôi Mươi), ông lấy nghệ danh Nhật Trường.

Vào năm 1971, Trần Thiện Thanh thực hiện một số nhạc cảnh về đại úy Nguyễn Văn Đương[1] - anh hùng Tiểu đoàn 3 Nhảy Dù tuẫn tiết ở Hạ Lào ngày 25 tháng 02 năm 1971. Trong đó Nhật Trường vào vai Nguyễn Văn Đương, còn Thanh Lan đóng vai Nguyễn Thị Lệ. Đây là tiết mục thu hút nhiều người xem truyền hình nhất vào giai đoạn đó, chính vì thế - để đáp ứng thị hiếu khán giả, Nhật Trường quyết định thâu thành phim hoàn chỉnh.

Sự kiện này được báo giới coi là mở đầu trào lưu chế tác phim truyền hình tại Việt Nam. Vì đương thời, phim truyền hình còn là lĩnh vực sơ khai trên bình diện quốc tế, có rất ít nhà đài dám thực hiện vì nguồn kinh phí và nhân lực tốn kém trong khi yếu tố thương mại bằng không. Tuy vậy, do nhạc sĩ Trần Thiện Thanh là nhà thầu sóng truyền hình, nên toàn bộ kinh phí ông đều tự chi trả, Đài Truyền hình Việt Nam chỉ yểm trợ kỹ thuật và nhân lực. Sau khi phim hoàn tất và công chiếu đại chúng, Trần Thiện Thanh lại tiến hành thâu dĩa nhựa bản ghi âm (giấy phép số 1267/BTT/PHNT 19-5-71[2]) phát hành rộng rãi để phần nào hoàn vốn.

Nhờ thế, sau tháng tư đen, trong khi cuộn băng gốc phim Trên đỉnh mùa đông đã thất lạc, bản đĩa than vẫn tồn tại trong các nhà sưu tập tư nhân cùng với ít nhiều ảnh chụp và kịch bản được đăng rải rác trên báo chí, nên tới nay nhìn chung nội dung hoàn chỉnh của phim không hề mai một.